Hướng tới giá điện có lợi hơn cho người tiêu dùng
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Sáng 18/5, Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm nhằm hướng tới việc ổn định giá bán lẻ điện cũng như đảm bảo tính minh bạch của thị trường này trong tương lai.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/7 tới đây, tất cả các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên (trừ hai nhà máy điện gió và điện địa nhiệt) đều phải tham gia vận hành thí điểm nhằm chuẩn bị cho việc vận hành chính thức vào năm 2012.
Về cơ chế hoạt động chung, toàn bộ điện năng của nhà máy điện được bán cho đơn vị duy nhất là công ty mua bán điện thuộc EVN (EPTC) và lịch huy động ngày tới được lập căn cứ trên bản chào giá theo chi phí biến đổi của các tổ máy.
Riêng các nhà máy điện BOT sẽ không tham gia chào giá trực tiếp mà do công ty mua bán điện chào giá thay trong thị trường để thực hiện nghĩa vụ bao tiêu trong hợp đồng PPA và tối ưu chi phí mua điện của hệ thống.
Chu kỳ giao dịch sẽ là một giờ với giá chào của nhà máy nhiệt điện bị giới hạn bởi mức giá trần chi phí biến đổi của từng nhóm công nghệ chuẩn. Còn giá chào của nhà máy thủy điện bị giới hạn trong dải giá trị nước của từng nhà máy do trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia tính toán và công bố.
Theo đánh giá của Cục điều tiết điện lực, với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 5,9 cent/kWh, tương đương 1.242 đồng đã kéo lùi việc đầu tư vào ngành điện, cho nên việc chuyển sang thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường không những đảm bảo tính minh bạch mà còn hỗ trợ tốt hơn cho người tiêu dùng.
Ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng giá phí Cục điều tiết điện lực cho hay, về nguyên tắc cạnh tranh ở khâu phát điện là để giảm giá và người tiêu dùng được lợi từ việc này.
Tuy nhiên, việc được lợi lại phải bảo đảm cho nhà đầu tư là các nhà máy điện có đủ kinh phí để đầu tư vào ngành điện. Nếu không được lợi thì việc thiếu điện vẫn sẽ xảy ra và người tiêu dùng không được hưởng thụ.
Cho nên giá phải luôn luôn hợp lý, thấp quá thì phải tăng lên còn cao quá thì phải hạ xuống, còn cạnh tranh thì luôn luôn đảm bảo giảm giá thấp nhất để người tiêu dùng được lợi.
Còn tất cả các khâu khác như truyền tải và phân phối là độc quyền tự nhiên sẽ phải có bàn tay điều tiết của nhà nước, giá luôn luôn ở mức hợp lý để người tiêu dùng và nhà cung cấp có thể duy trì được hoạt động của mình.
Bộ Công thương cũng cho biết, đã tiến hành xong việc xây dựng giá bán điện theo cơ chế thị trường với thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện là 3 tháng và căn cứ theo biến động của thông số đầu vào cơ bản là: tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát.
Khi giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 5% trở lên so với gián bán hiện hành thì EVN sẽ điều chỉnh giảm giá bán xuống ở mức bằng giá bán điện bình quân tính toán.
Ngược lại, nếu chi phí biến động bằng hoặc lớn hơn 5% so với giá điện hiện hành thì EVN được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng đến 5% sau khi trình hồ sơ cho Cục điều tiết điện lực kiểm tra và được Bộ Công thương chấp thuận.
Tuy nhiên, để việc vận hành thí điểm được trơn tru, nhiều công ty điện cũng kiến nghị với Bộ Công thương cần xem xét lại vai trò của Tổng công ty điện lực Việt Nam-EVN khi "giá bán lẻ hiện nay chỉ có lợi cho đơn vị này".
Ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cho rằng, giá bán lẻ điện của EVN có thể tăng 10 cent/kWh, trong khi giá bán của các nhà máy điện chỉ là 5 cent/kWh. Bên cạnh đó, giá bán khí cho các nhà máy điện ngoài PVN cũng chưa bình đẳng thì việc cạnh tranh về giá điện sẽ ra sao?
"EVN mua điện hiện nay không hề lỗ nên không thể chậm thanh toán tiền cho các nhà máy bán điện được," ông Quốc kiến nghị.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương, Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, để tiến tới thị trường điện cạnh tranh chúng ta phải đi qua một quãng đường rất dài, nếu không chuẩn bị thì chúng ta không có thị trường này.
Việc vận hành giá điện theo cơ chế thị trường cũng như việc tái cơ cấu ngành điện, vận hành thử nghiệm thị trường điện là những bước đi quan trọng và cần thiết để chúng ta có thể vận hành thị trường điện minh bạch mang lại các hiệu quả cho ngành điện, đem lại lợi ích cho khách hàng.
Khác với năm 2005, việc thí điểm chí có sự tham gia của 8 nhà máy thì hiện nay với công suất từ 30 MW trở lên đều phải tham gia vào thị trường này, cùng với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý cho việc vận hành.
Đặc biệt, việc có triển khai thị trường phát điện cạnh tranh hay không đều phải hướng tới mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, không phải để người tiêu dùng không mua được điện còn các nhà máy thì lại không bán được.
Do vậy, để có thể vận hành chính thức vào năm 2012, Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam cần phải chuẩn bị đào tạo cán bộ thật tốt cũng như xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chuẩn giao diện và giao thức kết nối với mạng thông tin nội bộ, hệ thống đo đếm điện năng, hệ thống chào giá, hệ thống quản lý lệnh điều độ...để việc vận hành được ổn định.
Đức Duy (Vietnam+)